06/8/2019 9:43 AM
Khi đi ra ngoài, bạn hay để quên túi xách ở nơi nào đó, sau đó mãi mới nhớ ra? Bạn hay để quên chìa khóa xe ở nhà nhiều lần? Bạn quên mất date line để nộp báo cáo ? Bạn không nhớ mình đã giải quyết khiếu nại của khách hàng chưa? Thậm chí bạn bỗng quên mất mấy giờ phải đón con? Nếu những điều này xảy ra nhiều lần, liên tục trong một vài tháng? Bạn hãy chăm sóc sức khỏe não bộ ngay nhé.
Trái với suy nghĩ của số đông cho rằng trí nhớ kém là vấn đề của tuổi già. Trên thực tế, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết một số trẻ em có xu hướng hay quên nếu chúng phải sống trong môi trường căng thẳng triền miên. Đây là vấn đề không nên xem nhẹ. Cho dù ở tuổi 16 hay 60, bạn phải đấu tranh để không bị suy giảm trí nhớ. Quan trọng là hiểu được nguyên nhân làm cho trí nhớ của bạn giảm đi, từ đó bạn sẽ biết cách ngăn chặn trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Các nhà khoa học đúc kết 6 nguyên nhân hàng đầu làm suy giảm trí nhớ, thậm chí có thể dẫn đến giảm chức năng nhận thức như sau:
1. Bị stress kéo dài
Khi một người đang chán nản, sẽ rất khó khăn để tập trung và nhớ lại nhiều thứ vì mối bận tâm của họ hiện tại là những cảm xúc tiêu cực . Cảm xúc tiêu cực bao gồm cả sự giận dữ, sợ hãi là lo âu sẽ làm cho bạn mau quên, mất khả năng tập trung.
2. Làm nhiều việc cùng lúc
Bộ não con người vốn chỉ có thể hoàn thành tốt một việc trong một thời điểm. Nếu bạn bắt não bộ phải xử trí cùng lúc nhiều việc sẽ khiến não kiệt sức và dễ bị rối loạn chú ý và trí nhớ.
3.Thiếu mãu não
Người mắc chứng hay quên thông thường có thể quên tên một người hàng xóm nhưng vẫn nhận ra người đang nói chuyện với mình là hàng xóm. Trong khi đó người rối loạn chú ý và trí nhớ có thể quên cả tên hàng xóm lẫn bối cảnh xung quanh.
Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn chú ý và trí nhớ. Việc thiếu máu não dẫn đến máu không được đẩy lên đủ để não bộ có thể hoạt động. Hiện tượng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt… xảy ra thường xuyên sẽ khiến bệnh nhân giảm dần trí nhớ, quên nhanh mọi việc.
4. Uống quá nhiều rượu bia, chất kích thích
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy lạm dụng rượu có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và tâm thần, bao gồm suy giảm trí nhớ. Nghiện rượu có thể dẫn đến trí nhớ kém hoặc mất trí nhớ tạm thời bởi khi rượu được hấp thụ vào cơ thể sẽ ngăn chặn khí oxy lưu thông lên não, đặc biệt là ở khu vực có chứa cồn. Theo thời gian, tình trạng này có thể gây ra tác động tiêu cực trên toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng các chất này ảnh hưởng đến hồi hải mã. Đây là vùng não đảm nhận chức năng nhận thức. Kết quả là trí nhớ sẽ kém dần đi.
5. Thiếu ngủ, lười vận động ngoài trời cũng gây giảm trí nhớ
Các nhà khoa học đã chứng minh, khi bạn không ngủ đủ giấc (thiếu ngủ), những ký ức không thể di chuyển về phía vỏ não trước trán. Tình trạng này dẫn đến sự lãng quên và mất trí nhớ ngắn hạn. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khuyến cáo, việc tập thể dục ngoài trời thường xuyên sẽ làm tăng lưu thông máu và cung cấp oxy cho não. Qua đó giúp ngăn ngừa bệnh mất trí.
6. Thiếu Thiamine (sinh tố B1)
Thiamine là chất dinh dưỡng thiết yếu giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Ngoài ra, vitamin B1 có trách nhiệm đảm bảo các chức năng bình thường của hệ thống thần kinh. Theo các chuyên gia, một lượng lớn vitamin này nằm trong bộ não, chúng duy trì việc sản xuất các dẫn truyền thần kinh có tác động đến tâm trạng, trí nhớ, sự chuyển động và suy nghĩ của con người.
Những người không nhận được đủ lượng thiamin từ chế độ ăn uống có thể bị hội chứng Wernicke-Korsakoff. Một loại rối loạn thần kinh dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Để ngăn chặn tình trạng này, hãy bổ sung đủ lượng thiamine trong ngày, tối đa 1,2 mg cho người lớn (nam là 1,4 mg, nữ là 1 mg). Tuy nhiên, chỉ nên bổ sung đủ, không nên lạm dụng. Mặc dù vitamin B1 là loại tan trong nước, dễ dàng đào thải ra khỏi cơ thể. Nhưng nếu tình trạng thừa kéo dài cũng có thể gây một số tác dụng không mong muốn cho cơ thể.
Nguồn: TS.BS.Trần Trí Cường (2017), “Rối loạn chú ý và trí nhớ- Chứng bệnh đến sớm hơn bạn nghĩ”, NXB Y học, Hà Nội.