TỔNG QUAN VỀ ACTISO

TỔNG QUAN VỀ ACTISO

  1. Đặc điểm thực vật của actiso

Tên khoa học của actiso là Cynara scolymus L., họ Cúc (Asteraceae). Actiso là cây thảo lớn, cao 1 – 1,2 m, có thể đến 2 m. Vào năm thứ nhất cây có một vòng lá, lá to dài có thể hơn 1 m, rộng có thể hơn 50 cm, lá xẻ sâu thành nhiều thùy, màu trắng nhạt ở mặt dưới vì có nhiều lông nhung, gân lá nổi rõ. Vào năm thứ 2 từ giữa vòng lá có thân mọc lên cao đến 1,50 m, phía trên có phân cành. Thân mang lá không cuống, nhỏ hơn, hơi phân thùy hoặc gần nguyên. Cụm hoa to mọc ở ngọn thân thành đầu màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt, được bao bọc bởi một bao chung lá bắc, hình trứng, các lá bắc mẫm ở gốc, nhọn ở đỉnh. Lá bắc non dùng làm thực phẩm. Đế hoa nạc mang những hoa hình ống màu lơ. Quả đóng màu nâu sẫm, bên trên có mào lông trắng óng [1],[2].

cây actiso

Hình 1: Cây actiso (nguồn: Songkhoe24)

Chi Cynara L. có khoảng 12 loài, phân bố chủ yếu ở vùng Địa Trung Hải. Actiso có thể là một dạng được thuận hóa từ một loài mọc hoang ở những vùng đồi khô Địa Trung Hải, sau khi được trồng nhiều ở Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Bắc Phi để lấy cụm hoa non (bao gồm đế hoa, các lá bắc và hoa) làm rau ăn. [1]

Cây của vùng Địa Trung Hải. Actiso thích hợp ở vùng khí hậu mát, được di thực vào nước ta từ những năm 1930. Hiện nay được trồng nhiều ở Lâm Đồng lấy cụm hoa làm thực phẩm cũng như làm thuốc. Cây cũng phát triển tốt ở Sapa và Đà Lạt [1],[2].

Actiso là loài cây thảo sống nhiều năm. Cây ưa sáng và ưa ẩm. Qua thực tế nhiều năm trồng ở Việt Nam cho thấy, actiso sinh trưởng phát triển tốt nhất ở một số vùng núi cao như Sapa, Đà Lạt nơi có khí hậu ẩm mát. Cây trồng ở đây có thể cao tới hơn 1,5 m, ra hoa và kết trái tốt. Trong khi đó, cây trồng ở vùng ngoại thành Hà Nội và một vài nơi khác sinh trưởng kém hơn. [1]

  1. Cách trồng cây actiso

Actiso ưa khí hậu lạnh mát quanh năm. Nhiệt độ thích hợp khoảng 15 – 18 Ở Việt Nam, thường trồng ở độ cao 1000 – 1500 m so với mặt biển. Ở độ cao này, cây có thể sống nhiều năm, vừa cung cấp giống, vừa sản xuất được liền. Ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, có thể trồng actiso vào vụ đông xuân và chỉ để lâys dược liệu. Actiso là cây sinh trưởng mạnh, cho nên cần chọn đất dày màu, thoát nước và bòn nhiều phân. [1]

Actiso có thể nhân giống bằng hạt, bằng mầm nhánh hoặc bằng nuôi cấy mô. Ở miền núi phía Bắc có thể gieo hạt vào tháng 1, 2 hoặc tháng 9, 10. Ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, nên gieo vào đầu tháng 10. Thời gian ở vườn ươm là 45 – 50 ngày. Còn có thể tách mầm nhánh hoặc sản xuất cây con từ đốt thân, đỉnh chồi hoặc đỉnh sinh trưởng để trồng. Từ đỉnh sinh trưởng có thể tạo được cây con sạch virus. [1]

Sau khi làm đất nhỏ, lên luống cao 20 25 cm, mặt luống rộng 40 cm, bổ hốc cách nhau 70 – 80 cm thành một hàng giữa luống. Dùng 5 – 10 tấn phân chuồng để bón lót chi 1 ha, thúc bằng nước phân chuồng hoặc phân đạm 2 – 3 lần tùy tình hình sinh trưởng của cây. Tưới thúc lần thứ nhất 15 ngày sau khi trồng, lần thứ 2 cách lần trước khoảng 20 ngày. Nếu tưới thúc bằng đạm thì dùng 80 – 100 kg ure/ha pha thành dung dịch 2% tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Cần làm cỏ, vun xới kêts hợp khi tưới thúc. Về sau, mỗi tháng làm cỏ vun xới một lần cho đến khi cây giao tán. [1]

Ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, có thể ngừng chăm sóc vào đầu tháng 2. Thường thu hái một lần vào tháng 4 – 5 tùy tình hình thời tiết. Cắt toàn bộ thân lá hoặc có thể dùng làm thuốc. Dùng hơi nước sôi có áp lực cao để xử lý nhanh thân lá, sau đó phơi hoặc sấy khô. Năng suất là khô 1,5 – 2 tấn/ha. [1]

Ở miềm núi, trồng actiso một lần có thể thu hoạch trong 2 – 3 năm, cây vừa ra hoa quả, vửa đẻ nhánh xung quanh gốc. Cây mẹ lụi đi, cây nhánh lại tiếp tục phát triển. Sau khi trồng 3 tháng, có thể bắt đầu dùng dao sắc để tỉa lấy lá. Tùy khả năng chăm sóc, mỗi năm có thể thu hái 2 – 3 lần. Sau mỗi lần thu hái, cần bón thúc, làm cỏ và vun xới. [1]

  1. Bộ phận dùng của actiso

Bộ phận dùng của actiso gồm lá, rễ và thân.

actiso tím

Hình 2: Cây actiso (Nguồn: VNRAS)

Lá actiso được thu hái vào năm thứ nhất của thời kỳ sinh trưởng. Có tài liệu cho biết nên thu hái lá còn non trước khi cây ra hoa [1]. Tại Đà Lạt, lá actiso được thu hái vào trước tết âm lịch một tháng. Theo Dược điển Việt Nam V, bộ phận dùng là lá đã phơi hoặc sấy khô [3].

  1. Thành phần hóa học trong lá actiso [1],[4],[5],[6]

Lá actiso bao gồm các thành phần sau đây:

– Acid hữu cơ:

  • Acid phenol: Cynarin (acid dicaffeoyl-1,3-quinic) và các sản phẩm thủy phân (acid cafeic, acid clorogenic và acid neo clorogenic).
  • Acid alcol: Acid hydroxymethylacrilic, acid malic, acid fumaric, acid lactic.
  • Acid khác: Acid succinic.

– Hợp chất flavonoid (dẫn chất của luteolin):

  • Cynarosid (luteolin-7-D-glucopyranosid).
  • Scolymosid (luteolin-7-rutinosid).
  • Cynarotriosid (luteolin-7-rutinosid-3′-glucosid).

– Thành phần khác:

  • Cynaropicrin thuộc nhóm guaianolid, có vị đắng.
  • Các enzym bao gồm oxidase, peroxidase, oxigenase, catalase: Hoạt động mạnh ở pH 4-7,6 và dễ phá hủy hoạt chất trong quá trình phơi, sấy, chế biến. Có thể ức chế enzym bằng cách ngâm lá vào dung dịch citric 1% (pH=3).
  • Nhiều chất vô cơ.
  1. Tác dụng dược lý và công dụng của actiso

Cây actiso đã được nhân dân châu Âu sử dụng từ lâu để chữa các bệnh sỏi bàng quang, phù thũng và các bệnh về gan. Nhiều nghiên cứu đã làm rõ các tác dụng của actiso bao gồm: phục hồi tế bào gan, tăng chức năng chống độc của gan, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch, làm hạ cholesterol máu và thông tiểu [2],[7],[8].

Tác dụng tăng tiết mật của cynarin đã được chứng minh từ năm 1931. Vì thế, dung dịch actiso tiêm tĩnh mạch gây tăng mạnh lượng mật bài tiết (có thể tăng lên gấp 4 lần). Mặc dù, cynarin là hoạt chất quan trọng nhưng các chất khác (như các flavonoid, các acid cafeic và chlorogenic…) cũng có tác dụng hiệp đồng [1][2].

Actiso uống và tiêm đều có tác dụng làm tăng lượng nước tiểu và lượng ure trong nước tiểu, làm giảm hằng số Ambard, giảm nồng độ cholesterol máu và ure máu. Tuy nhiên lúc mới uống có thể làm tăng ure máu [1].

Bên cạnh đó, cụm hoa được sử dụng trong chế độ ăn kiêng của bệnh nhân tiểu đường vì nó chỉ chứa lượng nhỏ tinh bột, phần carbon hydrat gồm phần lớn insulin. Ngoài ra, đế hoa và lá bắc được dùng để ăn [1].

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Đỗ Huy Bích và cộng sự, Cây thuốc và động vật làm thuốc tập I, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, trang 79-81.
  2. Ngô Thu Vân, Trần Hùng, Dược liệu học tập I, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, trang 405-409.
  3. Bộ Y tế (2018), Dược điển Việt Nam V, NXB Y học, Hà Nội.

Tiếng Anh

  1. Abdul Mutalib A.G Nasser. Phytochemical study of Cynara scolymus L. (Artichoke) (Asteraceae) Cultivated in Iraq, Detection and identification of phenolic acid compounds cynarin and chlorogenic acid. Iraqi Journal of Pharmaceutical Sciences, 2012.
  2. Kevin Robards. Strategies for Determination of Bioactive phenols in Plants, Fruit and Vegetable. J. of chromat Graphy A, 2003, 657 – 691.
  3. Neung Tae Jun, Ki Chang Jang. Radical scavenging activity and content of cynarin. J. Appl. Boil. Chem., 2007, 50(4), 244 -284.
  4. G. Eberhardt. Action of cynarin in fatty degeneration of the hepatic cells. Z. Gastroenterol, 1973, 11, 183-186.
  5. T. Adzet, J. Camarasa, J.C. Laguna. Hepatoprotective activity of polyphenolic compounds from Cynara scolymus against CC14 toxicity in isolated rat hepatocytes. J. Nat. Prod, 1987, 50, 612-617.

Bài Viết Liên Quan